0866503536 - 0333491111
Quét mã Qr để đăng ký học nghề
Điều này, đòi hỏi công tác hướng nghiệp, dạy nghề ở nước ta phải có những bước đột phá để có thể theo kịp chất lượng nhân lực của các nước trong khu vực và trên thế giới
(HQ Online)- Mặc dù nguồn nhân lực nước ta trẻ, dồi dào nhưng trình độ tay nghề và chuyên môn còn thấp. Điều này, đòi hỏi công tác hướng nghiệp, dạy nghề ở nước ta phải có những bước đột phá để có thể theo kịp chất lượng nhân lực của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Cơ cấu nhân lực bất hợp lý
Tại hội thảo khoa học Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam được tổ chức gần đây, TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: “Theo thống kê của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, số người trong độ tuổi lao động hiện chiếm 58% tổng dân số Việt Nam, tuy nhiên số lao động qua đào tạo có bằng chuyên môn kỹ thuật chiếm tỉ lệ thấp, chưa đầy 16% tổng số lao động. Chất lượng nhân lực nước ta thấp nhất khu vực và ngày càng tụt hậu với cơ cấu lao động bất hợp lý (1 đại học – 0,43 trung cấp chuyên nghiệp – 0,56 công nhân kỹ thuật)”.
Theo TS Vũ Ngọc Hoàng, hàng năm có hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học và dạy nghề không tìm được việc làm, trong khi đó chúng ta phải “nhập khẩu” hàng vạn lao động từ nước ngoài, từ công nhân đến kỹ sư. “Đây là một nghịch lý mà chúng ta phải gánh chịu và gây lãng phí to lớn cho Nhà nước và xã hội”, TS Vũ Ngọc Hoàng băn khoăn.
Về phía DN, đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản cho biết tập đoàn hiện đang thiếu nhân lực trình độ cử nhân trở lên ở những mảng mới như kinh doanh điện nhưng lại thừa nhiều nhân lực kỹ sư. Tập đoàn có khoảng 8% nhân lực (tương đương 10.000 người) có trình độ kỹ sư nhưng làm công nhân. Công nhân kỹ thuật đông nhưng phân bố không đồng đều. Một số lĩnh vực rất thiếu ví dụ như thợ lò. Tập đoàn thường xuyên phải bổ sung nhân lực cho lĩnh vực này.
Lý giải nguyên nhân trên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng mối quan hệ giữa giáo dục Việt Nam với phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một quan hệ lỏng lẻo. Trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ tạo sự gắn kết thực sự giữa kế hoạch phát triển giáo dục với kế hoạch phát triển kinh tế.
“Sự bùng nổ các cơ sở giáo dục trong những năm qua chỉ xuất phát từ một xu thế chung nhất là đại chúng hóa giáo dục mà không tính đến khả năng và nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Còn đào tạo ở các trường đại học, trường nghề vẫn quanh quẩn ở việc cung cấp cho người học cái mà nhà trường có chứ không phải cái mà nền kinh tế và sinh viên cần”, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến nói.
Tạo cầu nối lao động – thị trường lao động
Để không tụt hậu xa so với trình độ chung của các nước trên thế giới và trong khu vực, PGS.TS Phạm Văn Sơn, Giám đốc Trung tâm hỗ trợ đào tạo và cung ứng nguồn nhân lực cho rằng: “Ngay từ bây giờ, chúng ta phải thực hiện hoạt động đào tạo nguồn nhân lực cho tương lai, đồng thời nghiên cứu tìm cơ chế, chính sách và giải pháp phù hợp để nhanh chóng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực hiện có. Đây là chiến lược quan trọng và lâu dài để hình thành và phát triển bền vững đội ngũ nhân lực chất lượng cao”.
Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam đề nghị cần có giải pháp tổng thể, đồng bộ trong phân luồng đào tạo hàn lâm và đào tạo nghề. Đồng thời xem xét cân nhắc mở rộng các trường đại học và cố gắng hoạch định các mảng đào tạo đại học hàn lâm và ứng dụng, có cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp, trong đó, cần phải có những khóa học đào tạo nghề chuyên sâu. Với những kỹ năng nghề đơn giản, không cần đòi hỏi cao, nên có khung đào tạo phù hợp, tránh có những môn học “thừa”. Ví dụ, đào tạo công nhân trình độ thấp lại bắt học ngoại ngữ, tin học là không cần thiết, lãng phí thời gian, tiền của.
PGS.TS Phạm Văn Sơn cho rằng, cần có chính sách về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, trong đó tập trung mở rộng các hình thức đào tạo nhằm đáp ứng tối đa các yêu cầu của người học nhất là những lao động nông thôn nghèo, các nhóm người yếu thế... Qua đó xây dựng các chương trình dạy nghề phù hợp với từng nhóm đối tượng. Đặc biệt, thông tin về xu hướng nghề nghiệp, thị trường lao động, nhu cầu nhân lực của các tổ chức, doanh nghiệp, các ngành kinh tế - xã hội trong nước và trên thế giới cần cải thiện, tăng cường.
Mặt khác, cần có cơ chế chính sách tạo cầu nối lao động - thị trường lao động. Chính sách này sẽ là một trong những nền tảng chính đảm bảo tính hiệu quả của công tác dạy nghề và sử dụng được nghề đã học. Do đó, cần thúc đẩy các cơ sở dạy nghề, cơ sở sản xuất kinh doanh cùng hợp tác nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thị trường lao động vận hành. Rất có thể sẽ cần có thêm những chính sách thúc đẩy sự phát triển của mạng lưới trung gian làm cầu nối giữa đơn vị đào tạo nghề và nơi sử dụng lao động nhằm đảm bảo sự cân bằng cung cầu trên thị trường lao động.
Theo kết quả khảo sát “Sự thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và xã hội) phối hợp với Tập đoàn Manpower tiến hành khảo sát mới đây tại 6.000 DN thuộc chính lĩnh vực kinh tế tại chín tỉnh, thành phố ở Việt Nam, các DN đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm của 10% thấp nhất khu vực. Chất lượng nhân lực Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng thế giới (WB) chỉ đạt 3,79/10 điểm (xếp 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94…).